HƯỚNG DẪN CÁCH BỐ TRÍ THÉP SÀN 2 PHƯƠNG ĐƠN GIẢN, ĐÚNG KỸ THUẬT

HƯỚNG DẪN CÁCH BỐ TRÍ THÉP SÀN 2 PHƯƠNG ĐƠN GIẢN, ĐÚNG KỸ THUẬT

28/07/2023

Bố trí thép sàn 2 phương hay 1 phương như thế nào cho chuẩn là băn khoăn của rất nhiều người khi chưa nắm rõ được kết cấu, nội lực cũng như cách làm việc của nó. Bởi sàn là bộ phận quan trọng, có vai trò chính trong việc chịu tải trọng công trình để truyền xuống cột và móng. Vậy trong bài viết này, Táo Đỏ sẽ hướng dẫn bạn đọc cách bố trí thép sàn 2 phương hiệu quả nhất nhé!

Bố trí thép sàn 2 phương đúng kỹ thuật như thế nào?

Bố trí thép sàn 2 phương đúng kỹ thuật như thế nào?

Định nghĩa sàn 2 phương

Trước hết, chúng ta cần hiểu được sàn 2 phương là gì và sự khác nhau giữa sàn 2 phương và sàn 1 phương như thế nào.

Sàn 2 phương – 1 phương là một cách phân loại sàn bê tông cốt thép, ở đây là phân loại theo sơ đồ kết cấu. Sàn 2 phương hay còn gọi là bản kê bốn cạnh được hiểu là khi bản có liên kết ở cả bốn cạnh (tựa tự do hoặc ngàm), tải trọng tác dụng trên bản truyền đến các liên kết theo cả 2 phương. Lúc này, sàn sẽ bị uốn theo cả 2 phương.

Bản sàn uốn 2 phương

Bản sàn uốn 2 phương

Trong khi đó, sàn 1 phương là loại sàn chỉ chịu uốn theo một phương, khi bản sàn được liên kết (dầm hoặc tường) ở một cạnh (liên kết ngàm) hoặc ở 2 cạnh đối diện (kê tự do hoặc ngàm) và chịu tải phân bố đều.

Phân biệt sàn 1 phương và sàn 2 phương

Phân biệt sàn 1 phương và sàn 2 phương

Nói cách khác, ô sàn chỉ làm việc 2 phương khi thỏa mãn cả 2 điều kiện sau:

  • Có liên kết ở ít nhất 3 trên 4 cạnh của ô bản, hoặc 2 cạnh liền kề.
  • Cạnh dài L2 và cạnh ngắn L1 thỏa tỉ số L2/L1 nhỏ hơn hoặc bằng 2.

(Để kinh tế và chống rung cho sàn thì L1, L2 không nên lớn hơn 6m).

Phương pháp xác định nội lực sàn 2 phương

Để bố trí thép sàn 2 phương hợp lý cần phải xác định được nội lực của sàn 2 phương. Hiện nay có 2 cách xác định như sau:

  • Cách thứ nhất là phương pháp tra bảng. Đây là phương pháp truyền thống được nhiều người sử dụng với ưu điểm là đơn giản, thiên về an toàn. Tuy nhiên nhược điểm của nó là không kinh tế và cũng rất khó xác định được nội lực của các ô sàn phức tạp.
  • Cách thứ hai là phương pháp phần tử hữu hạn. Có thể sử dụng một số phần mềm được lập trình theo phương pháp này để phân tích nội lực như Etabs, Safe, Sap2000. Sử dụng phương pháp này có thể dễ dàng nhìn thấy được sự làm việc của toàn bộ kết cấu.

Cách bố trí thép sàn 2 phương

Trong xây dựng hiện nay, chúng ta có hai phương án bố trí thép sàn thông dụng nhất là thép sàn 2 lớp và thép sàn 1 lớp. Mỗi cách bố trí sẽ có những điểm cần lưu ý khác nhau.

Bố trí thép sàn 2 lớp cho sàn làm việc 2 phương

  • Bố trí thép chịu lực: Do tính chất làm việc, sàn 2 phương cần được bố trí thép chịu lực theo cả 2 phương. Dựa theo tính toán của thiết kế và tải trọng, ta sẽ tính được đường kính và khoảng cách của các cốt thép này (thường lấy từ phi 6 đến phi 14).
  • Đối với lớp thép dưới: Thép cạnh ngắn được bố trí dưới cùng, thép cạnh dài được bố trí vuông góc với thép cạnh ngắn ở phía trên.
  • Đối với lớp thép trên: Thép cạnh ngắn được bố trí phía trên thép cạnh dài.

Bố trí thép sàn 1 lớp cho sàn làm việc 2 phương

Thép sàn 1 lớp thường chỉ được tính toán và lắp đặt cho những bản sàn chịu tải trọng nhỏ như nhà cấp 4 thấp tầng, hoặc kết cấu chỉ chịu kéo hoặc nén, ví dụ như sê nô, ô văng, ban công, tấm đan…

Việc thi công và lắp dựng thép sàn 1 lớp sẽ phụ thuộc vào thiết kế và tính toán vị trí vùng kéo, nén của sàn.

Trên thực tế, trong cách bố trí thép sàn 2 phương hiện nay thì thép sàn 2 lớp được sử dụng rộng rãi hơn do nó có nhiều ưu điểm đặc thù, cũng như phù hợp với nhiều loại công trình hơn. Thép sàn 2 lớp tăng tính ổn định cho sàn bê tông cốt thép, giảm hiện tượng co ngót bê tông, giúp cốt thép trong sàn chịu kéo tốt hơn do đó mà giảm được tình trạng nứt gãy sàn đột ngột.

Ngoài ra, thép sàn 2 lớp còn có khả năng chịu được nhiệt độ cao, chống cháy tốt, tăng khả năng chống thấm, đồng thời làm tăng chất lượng và độ bền cho toàn bộ công trình. Do đó, dù là sàn làm việc 1 phương hay 2 phương thì thép sàn 2 lớp vẫn là lựa chọn tối ưu hơn.

Một số lưu ý khi bố trí thép sàn 2 phương

Bố trí thép sàn 2 phương hay 1 phương cũng đều phải tuân thủ theo các TCVN dành cho sàn bê tông cốt thép như sau:

Về lớp bê tông bảo vệ cốt thép

Không chỉ đối với sàn, dù là dầm, móng hay cột thì lớp bê tông bảo vệ cốt thép luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo cho sự làm việc của bê tông và cốt thép được liên tục và hiệu quả nhất. Giống như tên gọi của nó, lớp bê tông có tác dụng bảo vệ cốt thép không bị xâm thực bởi các tác động của môi trường như không khí, nhiệt độ, muối và các nhân tố có hại khác. 

Lớp bê tông bảo vệ cốt thép trong bản sàn được quy định như sau:

  • Không nhỏ hơn 10mm đối với bản và tấm tường có chiều dày từ 100mm trở xuống
  • Không nhỏ hơn 15mm đối với bản và tấm tường dày trên 100mm

Chú ý dùng con kê để có lớp bê tông bảo vệ thép sàn đạt chuẩn

Chú ý dùng con kê để có lớp bê tông bảo vệ thép sàn đạt chuẩn

Nếu lớp bê tông bảo vệ không đạt chiều dày tiêu chuẩn thì sau một thời gian sử dụng sẽ bị bong tróc, hay còn gọi là hiện tượng “nổ thép” – “cháy thép” khiến cốt thép bị trơ ra và bị ăn mòn dưới các tác động của môi trường dẫn đến phá hỏng kết cấu. Các gia chủ cần đặc biệt lưu ý điều này cả khi bố trí thép sàn 2 phương hoặc các kết cấu bê tông cốt thép toàn khối khác.

Về tỉ lệ cốt thép trong bê tông

Tỉ lệ cốt thép trong bê tông cũng là điều luôn cần được chú trọng khi bố trí thép sàn 2 phương. Nếu tỉ lệ cốt thép quá ít thì kết cấu không làm việc hiệu quả, ngược lại nếu tỉ lệ cốt thép quá nhiều thì vừa gây lãng phí đồng thời gây co ngót phá hoại khiến bê tông bị nứt.

Tỉ lệ cốt thép trong bê tông phù hợp là ở mức 0,3-0,9%.

Về việc neo, nối và cắt cốt thép

Việc neo – nối – cắt cốt thép gần như là điều bắt buộc khi thi công thép sàn. Các công tác này cần được đảm bảo đúng kỹ thuật để sàn làm việc hiệu quả nhất.

Chiều dài neo cốt thép ở vùng kéo gối dầm phải đảm bảo không nhỏ hơn 10d (d là đường kính thép) từ mép dầm.

Nối cốt thép: Có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là không được nối cốt thép ở vùng có momen lớn, cụ thể đối với thép sàn là không nối ở vùng nén giữa bản sàn và vùng kéo thép ở gối nhịp. Chiều dài nối thép tối thiểu là 30d.

Đối với thép trơn không gờ, bẻ mỏ tối thiểu 2,5d; thép có gờ có thể không cần bẻ mỏ. Trong một vài trường hợp thi công thực tế, thép được bẻ mỏ cả thanh trên và thanh dưới.

Cắt cốt thép (Trong trường hợp bố trí thép mũ chịu momen âm phía trên): đối với nhịp giữa cắt thép tối thiểu ở ¼ nhịp dầm, đối với nhịp biên cắt thép tối thiểu ở ⅕ nhịp dầm. Thực tế trong công tác bố trí thép sàn 2 phương hiện nay, người ta thường để nguyên lớp thép phía trên chứ không bố trí thép mũ, vì điều này tiện cho thi công hơn và cũng đảm bảo chất lượng ô sàn hơn.

Như vậy, trên đây Táo Đỏ đã hướng dẫn bạn đọc cách bố trí thép sàn 2 phương sao cho hiệu quả và kinh tế nhất. Tuy nhiên, các gia chủ luôn lưu ý phải tuân thủ theo bản vẽ thiết kế, bởi nó luôn có sự tính toán kỹ lưỡng cũng như các chỉ dẫn chi tiết cho từng giai đoạn thi công.

Trân trọng cảm ơn quý anh chị đã xem bài.

KIẾN HƯNG GIA - THÀNH THỊNH VƯỢNG

Liên hệ để được tư vấn miễn phí:

0832.37.37.37  - Mr. Linh

0932 957 999  - Mr. Tuấn